Chương 7: CẦU NGUYỆN VÀ SUY NGẮM Cốt yếu của cầu nguyện không phải cố bắt Chúa ban cho mình điều chi - cũng như căn bản của tình bạn hữu lành mạnh không là xin xỏ - tuy nhiên vẫn có những lời cầu nguyện xin ơn hợp pháp. Thiên Chúa có hai loại ơn huệ: Thứ nhất ơn Ngài ban cho chúng ta dù xin hay không. Thứ hai ơn với điều kiện chúng ta phải xin. Loại thứ nhất giống như nhu cầu con cái nhận được trong gia đình: Thực phẩm, quần áo, chỗ ở, sự săn sóc, canh chừng. Loại này đứa con nào cũng nhận được từ cha mẹ, dù chúng xin hay không. Nhưng có loại ơn khác, với điều kiện chúng phải xin. Người cha có thể nóng lòng cho con vào đại học, nhưng nếu nó từ chối học hành hoặc là đứa hư hỏng thì dù người cha có ý định ban cho đi nữa, cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Không phải người cha rút lại ý định, nhưng bởi vì tính nết đứa con làm cho việc ban ơn vô hiệu. Chúa Giêsu nói về loại ơn thứ nhất trong Matthêu (5,45) khi phán: "Mưa rơi xuống trên kẻ dữ người lành", về loại ơn thứ hai khi phán: "Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho". Như vậy, cầu nguyện không nguyên báo tin Thiên Chúa về những nhu cầu của ta. Ngài quá biết chúng: "Anh em có Người Cha trên trời, Ngài biết rõ anh em cần đến những thứ đó" (Mt 6,32). Nhưng mục tiêu của cầu nguyện là để cho Ngài cơ hội ban ơn. Ngài sẽ đổ ơn xuống khi chúng ta sẵn sàng lãnh nhận. Chẳng phải đôi mắt làm nên ánh sáng chung quanh chúng ta. Chẳng phải hai lá phổi làm ra không khí bao bọc chúng ta, nhưng là ánh sáng mặt trời đã hiện diện sẵn ở đó nếu chúng ta không nhắm mắt để nhìn và không khí luôn có sẵn, nếu chúng ta không muốn thở, ơn lành của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nếu chúng ta không nổi loạn chống ước muốn ban ơn của Ngài. Người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thì sẽ cầu nguyện kiểu xin xỏ. Người rộng lượng nghĩ đến hàng xóm, sẽ cầu nguyện kiểu xin ơn trợ giúp. Người yêu thương và phục vụ Chúa sẽ cầu nguyện kiểu phó thác cho Thánh ý của Chúa. Đây là kiểu cầu nguyện của các vị thánh. Cái giá phải trả cho lối cầu nguyện này khá cao đối với đa số tín hữu, bởi lẽ nó đòi hỏi từ bỏ bản thân. Nhiều linh hồn ước ao Thiên Chúa thực hiện ý họ, họ báo cáo những chương trình trọn vẹn lên Ngài và cầu xin Ngài chuẩn y nguyên bản, không thay đổi. Kinh Lạy Cha sẽ được họ sửa lại: "Ý con thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Thật khó khăn cho Thiên Chúa muôn thuở ban mình cho những kẻ chỉ thích điều chóng qua. Những linh hồn sống ở mức "tôi" và từ chối bước lên mức thần linh, thì giống như quả trứng, vĩnh viễn giữ trong tủ lạnh, không bao giờ được ấp nở, đến nỗi chẳng bao giờ được sống ngoài cái vỏ của sự phát triển thiếu sót của riêng mình. Mỗi cái "tôi" đều chỉ là bào thai. Ở đâu có tình yêu, ở đấy có tư tưởng về nhân vật chúng ta yêu: "Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng trí ngươi ở đó" (Mt 6,21). Mức độ dấn thân và yêu mến tuỳ thuộc vào giá trị mà chúng ta đặt trên đối tượng. Thánh Augustino nói: "Amor meus pondus meum" (tình yêu là sức nặng của tôi). Tình yêu chính là lực hấp dẫn. Mọi sự đều phải có tâm điểm. Một học sinh cảm thấy học hành rất khó nhọc, bởi lẽ cậu yêu thích thể thao hơn kiến thức, người doanh nhân khó nghĩ về hạnh phúc trên trời, bởi vì ông ta đang bận tâm làm đầy kho lẫm. Một người yêu thích cảm giác xác thịt thấy khó mà yêu mến tinh thần, bởi vì kho tàng của anh ta nằm nơi thân xác. Người ta trở nên giống cái người ta yêu thích. Nếu anh ta yêu mến vật chất, anh ta trở nên giống vật chất. Ngược lại, nếu yêu mến tinh thần, anh ta sẽ trở nên tinh thần trong quan điểm, tư tưởng và khát vọng của mình. Sau khi đã nêu ra tương quan giữa tình yêu và cầu nguyện, chúng ta dễ hiểu tại sao lại có những người nói: "Tôi không có thời gian để cầu nguyện". Họ thực sự không có, bởi lẽ đối với họ các bổn phận khác khẩn thiết hơn, các kho tàng khác quí báu hơn, các lợi ích khác vui thỏa hơn. Giống như những cái đồng hồ đeo tay, nếu bạn để sát vào chiếc nam châm, nó ngưng chỉ đúng giờ. Cũng vậy những trái tim quá mải mê những sự vật bên ngoài chẳng bao lâu sẽ mất khả năng cầu nguyện. Tuy nhiên một người thợ kim hoàn có thể lấy nam châm ra khỏi cái đồng hồ và lấy lại giờ giấc theo xoay vần bầu trời thì con người tự kỷ cũng có thể giải trừ cái "tôi" bằng cầu nguyện, và có khả năng yêu mến những điều vĩnh hằng và tình yêu thần linh. Một hình thức cầu nguyện cao hơn xin xỏ - và là phương thuốc chữa trị tính vọng ngoại là suy ngắm. Suy gẫm giống như mộng mơ giữa ban ngày hay nhật du, nhưng với hai sự khác biệt quan trọng. Trong suy ngắm chúng ta không nghĩ đến mình hay ngoại cảnh mà tập trung vào Thiên Chúa. Thứ hai thay vì tưởng tượng xây dựng những lâu đài ươn lười trong nước Tây Ban Nha thì chúng ta dùng lòng muốn để hạ những quyết tâm, lôi kéo mình đến gần một trong các dinh cơ của Thiên Chúa. Suy gẫm như vậy là hành động tiến bộ hơn đọc kinh. Nó có thể so sánh với thái độ của một đứa trẻ chạy vào lòng mẹ nói: " Con sẽ không phá phách nếu mẹ bằng lòng cho con ở đây và xem mẹ làm việc", hay giống như một người lính nói với cha sở họ Ars: " Con chỉ đứng trước nhà tạm, Chúa nhìn con và con ngắm Chúa". Nguyện gẫm cho phép linh hồn ngưng chiến đấu phân tán bề ngoài bằng nhận biết bề trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó đóng cửa, loại thế giới ra, và để thần khí lọt vào linh hồn. Nó khuất phục ý muốn mình trước tác động của Thánh ý Chúa. Nó cho phép chân lý siêu nhiên soi rọi mọi hành động, suy nghĩ, nói năng, của chúng ta, thâm nhập bên dưới những tầng lớp của tính tự lừa dối mình và ích kỷ. Nó lôi chúng ta ra trước tòa án Thiên Chúa, ngõ hầu xem thấy rõ chân tướng của mình chứ không phải tưởng tượng. Nó bịt miệng cái "tôi" đáng ghét của chúng ta để rằng có thể nghe thấy các ước mong của trái tim Thiên Chúa. Nguyện gẫm còn có thể sử dụng các tài năng của chúng ta, không phải để tưởng nghĩ những vấn đề xa lìa Thiên Chúa, nhưng để thúc đẩy ý chí đáp ứng hoàn hảo hơn Thánh ý Chúa. Nó thực sự trau dồi hiểu biết Thiên Chúa như chân lý tối cao. Nó giải phóng chúng ta khỏi những thành kiến, định ý sai lạc ngõ hầu giúp loại bỏ những tư tưởng ngông cuồng của mình! Nguyện gẫm tẩy trừ khỏi đời sống mỗi người những cản trở cho đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, đồng thời kiện cường những khát mong làm mọi việc vì Chúa, vì vinh quang của Ngài. Nó lấy khỏi đôi mắt chúng ta những phù vân đời này để nhận thức đầy đủ tính tạo vật, lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa trong những công việc của Ngài, như tạo dựng, tồn lại từng giây phút về ơn cứu chuộc. Như vậy, suy gẫm không phải là xin xỏ (một kiểu sử dụng Thiên Chúa) và xin Ngài ban cho điều chi, nhưng là đường lối tùng phục Ngài, xin Ngài sử dụng chúng ta. Trong việc nguyện ngắm, đôi tai của linh hồn quan trọng hơn chiếc lưỡi, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: Đức tin đến từ lắng nghe. Đối với nhiều người họ phạm lỗi với Thiên Chúa như kiểu họ phạm lỗi với bạn bè, nghĩa là nói toàn thời gian. Chúa Giêsu đã cảnh cáo những ai nói nhiều giống như dân ngoại, họ tưởng cứ nói nhiều là được nghe lời (Mt 6,7). Chúng ta có thể lịch sự với Thiên Chúa bằng cách hấp thụ các cuộc chuyện trò của Ngài và áp dụng cho mình lời Kinh thánh: "Lạy Chúa xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe". Thiên Chúa có rất nhiều điều phải nói với chúng ta, những điều luôn soi sáng chúng ta. Cho nên phải chờ đợi để Ngài nói: Chẳng ai có bệnh mà chỉ nhảy bổ vào văn phòng bác sĩ, rũ bỏ các triệu chứng, rồi lại chạy ngay ra ngoài, mà không cần bác sĩ khám bệnh. Không ai bật máy radio rồi lại lập tức rời căn phòng. Đúng là ngu xuẩn khi bấm chuông cửa Thiên đàng, rồi chạy biến mất. Đức Chúa Trời sẵn sàng lắng nghe chúng ta hơn là chúng ta nghĩ. Chúng ta cần cải tiến việc lắng nghe Ngài. Người ta thường phàn nàn Chúa không nghe lời mình. Xin nói ngược lại, điều thường xảy ra là chúng ta không kiên nhẫn đủ để nghe Ngài trả lời. Lời giãi bày tốt nhất về những bước của suy niệm, là trình thuật buổi sáng ngày phục sinh trong Tin Mừng. Ngày đó các môn đệ hoàn toàn lạc lõng, nỗi buồn đưa họ đến câu chuyện về Chúa với một khách lạ mà họ tình cờ gặp trên đường đi làng Emmaus. Đây là bước thứ nhất của suy niệm, họ nói chuyện "về" Chúa, mà không ý thức sự hiện diện của Ngài, tiếp theo là Chúa tỏ mình ra cho các ông. Như vậy, giống các môn đệ, chúng ta lắng nghe Ngài giải thích ý nghĩa cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuối cùng là giai đoạn kết hiệp, được biểu trưng bằng việc bẻ bánh trong bữa ăn tối của Tin Mừng. Lúc này linh hồn kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và Chúa với linh hồn. Đây là lúc linh hồn ngần ngại chia tay, mặc dầu trời đã tối và mệt nhọc lớn dần. Suy gẫm có khả năng thăng tiến hạnh kiểm của chúng ta. Người ta thường cho rằng hành động là tất cả, chẳng cần lòng tin. Nhưng quan điểm ấy không có ý nghĩa. Bởi lẽ chúng ta hành động theo lòng tin. Hit-le đã hành xử theo chủ thuyết Đức quốc xã và sản sinh ra chiến tranh, Stalin hoạt động vì ý thức hệ Marx và Lenin, ông đã đẻ ra chế độ nô lệ. Nếu tư tưởng của chúng ta xấu, chắc chắn hành động của chúng ta cũng chẳng tốt, nguyên nhân của các việc đồi bại là những tư tưởng đồi bại. Đường lối tốt để ngăn cản vụ cướp ngân hàng là làm chia trí người chủ trương, không nghĩ đến nữa. Nói chung các bất công xã hội, chính trị, kinh tế là những cái xấu trong tâm hồn trước đã, chúng phát xuất từ trí khôn. Chúng trở nên cái xấu xã hội bởi cường độ của chúng trong đầu óc con người. Chẳng có chi xảy ra trên thế giới mà không bắt nguồn từ tư tưởng. Vệ sinh sạch sẽ không phải là thuốc chữa bệnh vô luân lý, nhưng nếu nguồn mạch tư tưởng được giữ gìn trong sạch, thì chẳng cần chăm lo cho phản ánh của nó trên thể xác. Một giờ mỗi ngày nguyện gẫm sẽ đổ đầy tâm hồn các tư tưởng lành thánh và các quyết tâm yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân, trên hết mọi sự. Khi ấy dần dần sẽ tuôn tràn tình yêu đến mức độ người ta gọi là tiềm thức. Cuối cùng phát sinh hành động tốt mà không cần cố gắng. Mọi người đã từng xác nhận, hàng ngàn lần trong cuộc sống mình, tính phát sinh hành vi của các tư tưởng. Thí dụ khi coi bóng đá, nếu thấy có cơ hội tốt để sút bóng, khán giả sẽ uốn éo mình hơn là cầu thủ đang dong bóng, tư tưởng lúc ấy khá mạnh đến nỗi ảnh hưởng đến thân xác. Nói chung các tư tưởng thường có những biểu hiện như vậy. Ý nghĩ sợ hãi thường gây nên "nổi da gà" và đôi khi làm cho máu dồn xuống chân tay. Chúa đã tạo dựng chúng ta như vậy, để rằng khi sợ hãi chúng ta hoặc chiến đấu hoặc chạy trốn. Tư tưởng của chúng ta tạo nên những ước muốn và ước muốn xây dựng cuộc sống hàng ngày. Ước muốn chủ lực là định mệnh rõ nét nhất, ước muốn được thành hình trong tư duy và suy gẫm. Và bởi vì hành động được ước muốn hướng dẫn, cho nên linh hồn tràn ngập những khao khát thánh thiện sẽ cảm thấy dần dần xa lánh thế gian, không còn làm mồi cho những đề nghị của quân thù nữa. Hạnh phúc sẽ tăng trưởng. Các khao khát thế gian thực ra chẳng bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn và do đó sự loại bỏ chúng làm cho người ta bớt lo âu. Nếu người ta không ngớt suy niệm về Thiên Chúa, thì sẽ có một cuộc cách mệnh toàn bộ trong hành vi của họ. Nếu ban sáng hắn nhớ đến Chúa khiêm nhường mặc lấy số phận người tôi tớ hèn mọn, thì hắn chẳng thể có thái độ kiêu căng đối với thiên hạ suốt ngày hôm ấy. Nếu suy niệm về ơn Ngài cứu rỗi mọi người, chắc chắn hắn ngưng ngay kiêu ngạo. Bởi vì Chúa đã gánh lấy tội trần gian nên những ai suy tư về chân lý này sẽ sẵn sàng vác lấy gánh nặng của láng giềng, mặc dù nó không phải do mình gây nên. Cũng như Chúa gánh tội không do Ngài làm ra. Suy gẫm về lòng Chúa xót thương, tha thứ cả những kẻ đóng đinh mình, người ta sẽ dễ thứ tha cho những ai xúc phạm đến họ, để rằng họ cũng được Thiên Chúa khoan dung. Những tư tưởng như vậy không phải của chúng ta vì chúng ta không có khả năng nghĩ tới, thế gian cũng thế, bởi vì là những tư tưởng siêu nhiên chỉ có thể đền từ Đức Chúa Trời. Một khi tính yếu hèn của chúng ta phục tùng quyền năng Thiên Chúa, thì cuộc đời thay đổi và chúng ta không còn lệ thuộc vào tâm trạng mình nữa. Thay vì để thế gian quyết định não trạng của chúng ta thì chúng ta quyết định não trạng của linh hồn mà thế gian phải đối mặt. Trái đất mang theo bầu không khí với nó, khi quay quanh mặt trời. Cũng vậy linh hồn mang theo bầu khí thần linh bất chấp những xáo trộn của thế giới bên ngoài. Có những giây phút nguyện ngắm tốt, đời sống Thiên Chúa thâm nhập linh hồn, và có những giây phút linh hồn thâm nhập vào đời sống Thiên Chúa. Những diễn biến này biến đổi chúng ta. Người ốm đau, sợ sệt, yếu thần kinh, có thể được khỏi bệnh bởi sự hiệp thông giữa tạo vật và Tạo hóa của mình, tức để Thiên Chúa ngự vào lòng. Nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng, bác sĩ J.D.Hadfield nói: "Tôi đã từng cố gắng chữa trị các bệnh nhân bồn chồn lo lắng bằng cách khuyên họ ở tĩnh mịch và tự tin, nhưng thất bại, cho đến khi tôi liên kết các đề nghị ấy với lòng tin vào quyền năng Thiên Chúa Đấng là điểm tựa, tin tưởng và hy vọng của các tín hữu, lập tức các bệnh nhân được lành mạnh". Không có thời gian suy gẫm là một câu nói dối hoàn toàn. Người ta càng ít nghĩ đến Chúa, càng ít thời gian cho Ngài, thời gian dành cho cái gì lệ thuộc vào giá trị người ta lượng định. Tư duy xác định việc sử dụng thời gian, thời gian không điều khiển tư duy của chúng ta. Như vậy vấn đề đời sống thiêng liêng không phải của thời gian. Nó là vấn đề của tư tưởng. Không cần nhiều thời gian để nên thánh, chỉ cần tình yêu mà thôi. Thuốc chữa của căn bệnh thiếu thời gian suy gẫm là thánh hóa từng giây phút hiện tại. Chúa Giêsu đã ban nguyên tắc cho chúng ta khi nói: "Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai, cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34). Nghĩa là từng ngày có thử thách riêng của nó. Chúng ta chẳng thể mượn những rắc rối của ngày hôm sau. Bởi lẽ ngày hôm sau cũng có những thánh giá riêng. Chúng ta nên trao phó quá khứ vào lòng thương xót Chúa và ký thác tương lai với những thách thức của nó cho sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài. Mỗi giây phút của cuộc sống đều có bổn phận, bất chấp diện mạo của giây phút đó ra sao, khoảnh khắc hiện tại là khoảnh khắc cứu độ. Mỗi lời phàn nàn về nó là một thất bại, ngược lại hành động chấp nhận là chiến thắng. Khoảnh khắc hiện tại bao gồm những biến cố, sự việc mà chúng ta có quyền điều khiển, nhưng cũng có nhiều khó khăn không thể tránh khỏi. Các khó khăn như làm ăn thất bại, bệnh tật, mưa nắng, thời tiết, khách không mời mà tới, chiếc bánh trượt xuống đất, điện thoại hư, con ruồi trong ly sữa, cái nhọt trên mũi trước đêm dạ hội. Luôn luôn chúng ta không biết được lý do tại sao những điều tai hại như bệnh tật, những thất bại, xảy ra cho mình. Bởi lẽ trí khôn chúng ta qúa bé nhỏ để có thể nắm bắt chương trình của Thiên Chúa. Như vậy chúng ta giống như con chuột bên trong chiếc dương cầm. Nó không hiểu tại sao mình lại bị quấy rầy khi người ta chơi nhạc Chopin và bắt nó rời khỏi các dây đàn. Khi ông Gióp gặp hoạn nạn ông ta đặt câu hỏi với Thiên Chúa, tại sao ông ta được sinh ra, tại sao ông ta phải đau khổ? Thiên Chúa xuất hiện, nhưng thay vì trả lời các câu hỏi của ông, Ngài yêu cầu ông trả lời những nghi vấn lớn hơn về vũ trụ bao la. Khi thượng đế đã đổ tràn ngập đầu óc tạo vật với những tư tưởng rộng lớn, thì Gióp nhận ra rằng câu hỏi của Thượng Đế khôn khéo hơn của ông. Bởi đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta. Ơn cứu rỗi của linh hồn quan trọng hơn các giá trị vật chất. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa có quyền năng kéo điều tốt ra khỏi sự dữ. Trí khôn của loài người phải phát triển để chấp nhận giây phút hiện tại, dù khó khăn thế nào đi nữa, ngõ hầu hiểu đặng sức mạnh của đau khổ. Chúng ta không bước ra ngoài rạp hát bởi vì diễn viên chính bị bắn ngay hồi thứ nhất, vì chúng ta tin vào cốt truyện của tác giả, ông sắp đặt mọi sự trong đầu óc mình, cũng vậy linh hồn không thối lui ở cảnh đầu tiên của vở kịch cứu độ Thiên Chúa an bài, cảnh cuối cùng mới là cao điểm của vở kịch. Những sự việc xảy ra cho chúng ta không phải lúc nào cũng dễ hiểu và có tính thuyết phục. Nó luôn luôn nằm trong khả năng chấp nhận của đức tin và tùng phục của lòng muốn. Mỗi giây phút đem lại nhiều kho tàng cho chúng ta tiếp nhận. Nhìn một cách siêu nhiên, giá trị lớn lao của hiện tại là nó mang tín thư Chúa gửi đến cho từng cá nhân. Sách vở, bài giảng, giờ phút phát thanh tôn giáo, có thể ví như những lá thư luân lưu cho từng linh hồn. Đôi khi những lời hiệu triệu chung chung như vậy động đến lương tâm cá nhân, người ta phản ứng giận dữ, viết những ý kiến chói tai để tập hợp đồng minh, lương tâm bất an, luôn luôn có những ngụy biện cho việc quên lãng luật Chúa. Tuy nhiên dù những lời kêu gọi tinh thần hay luân lý ấy, mang theo sứ điệp chung cho mọi người lắng nghe, thì điều này không đúng đối với giây phút hiện tại. Chẳng ai khác ngoài "tôi" ở trong những hoàn cảnh, chẳng ai mang gánh nặng như nhau, dù là yếu đau, người thân qua đời hoặc nghịch cảnh khác. Chẳng có chi cá nhân hóa nhu cầu thiêng liêng của người ta hơn khoảnh khắc hiện tại. Bởi vậy nó là cơ hội hiểu biết cho một mình cá nhân đó mà thôi. Giây phút hiện tại là trường học, sách giáo khoa và là bài học của tôi. Ngay cả Chúa Giêsu cũng không từ chối học từ giây phút hiện tại. Ngài thông suốt mọi sự, trừ một loại kiến thức Ngài phải học như một người phàm. Thánh Phaolô đã viết: "Mặc dầu là con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục" (Dt 5,8).
|